Viết sơ yếu lý lịch (CV) không phải một việc quá đơn giản. Bởi vì CV yêu cầu sự cô đọng, súc tích nhất định nên rất dễ khiến bạn gặp rắc rối ở phần thể hiện kỹ năng của mình. Bạn chỉ có vài dòng để thể hiện khả năng, là một người viết, bạn sẽ viết gì vào đó?
Bài viết này có thể giúp bạn giải quyết những lăn tăn đó:
- Cách tạo sơ yếu lý lịch viết lách ngay cả khi bạn chưa có kinh nghiệm.
- Mẹo và ví dụ về cách đưa các kỹ năng và thành tích vào sơ yếu lý lịch của dân viết lách.
- Cách để mô tả kinh nghiệm của bạn trên CV cho nhà tuyển dụng để có được bất kỳ công việc viết lách nào bạn muốn.
5 Yêu cầu cơ bản để CV của bạn qua "vòng gửi xe"
Dưới đây là vài yêu cầu cơ bản mà bạn cần đảm bảo qua được “vòng gửi xe” của nhà tuyển dụng:
1. CV chỉn chu về hình thức
Trước khi thể hiện được kỹ năng nổi bật, CV của bạn cần gọn gàng, dễ nhìn về mặt hình thức. Tất cả các bước dưới đây sẽ làm cho nhà tuyển dụng dễ dàng theo dõi CV của bạn:
- Có các đề mục nhỏ để nhà tuyển dụng nắm được phần mở-thân-kết;
- Sử dụng kiểu chữ rõ ràng, dễ đọc, tiêu đề lớn
- Khoảng trắng rộng rãi;
- Nói không với lỗi chính tả;
- Sử dụng giọng văn khiêm tốn.
2. Sử dụng trình tự đảo ngược để thu hút nhà tuyển dụng
Các nhà tuyển dùng thường chỉ dùng 6-7 giây để lướt sơ qua toàn bộ hồ sơ lý lịch của bạn. Và họ chỉ dừng lại xem xét kỹ hơn khi kinh nghiệm của bạn thật sự thu hút.
Trong 6-7 giây đó, đây là những gì nhà tuyển dụng tìm kiếm:
- Bằng cấp liên quan đến viết và ngách viết của bạn
- Chức danh công việc bạn ứng tuyển
- Mức trách nhiệm cao nhất mà bạn từng đảm nhiệm
- Bạn đã phát triển các kỹ năng của mình ở đâu và khi nào
Vì vậy, hãy trình bày công việc gần đây nhất của bạn trước rồi đến những việc kinh nghiệm cũ. Lý do là hiện tại, bạn đang là phiên bản tốt nhất của chính mình. Lợi dụng trình tự ngược về thời gian để thể hiện được kỹ năng tốt nhất hiện tại của bạn.
3. Dẫn chứng kinh nghiệm cụ thể
Liên kết vào CV các dẫn chứng cụ thể về thành quả bạn đã có. Đừng chỉ liệt kê những gì bạn có thể, mà hãy thể hiện những gì bạn đã-làm-được.
4. Lưu ý đừng bỏ trống phần mục tiêu nghề nghiệp
Đối với người chưa có kinh nghiệm: điền vào mục tiêu ngắn hạn của bạn. Có thể là mong muốn được va chạm với các công việc liên quan đến viết, hoặc mong muốn có được trải nghiệm liên quan đến lĩnh vực mà bạn ứng tuyển,…
Đối với người đã có kinh nghiệm: mục tiêu nghề nghiệp nên là những mục tiêu dài hạn, mang tính chiến lược trên con đường sự nghiệp thay vì những mục tiêu ngắn hạn.
5. Chọn định dạng sơ yếu lý lịch phù hợp
- CV theo trình tự thời gian
Sơ yếu lý lịch theo trình tự thời gian phù hợp với những bạn có lịch sử làm việc tuyến tính, muốn làm nổi bật quá trình làm việc có liên quan đến viết, cùng với những thành tựu chuyên môn.
- CV theo chức năng
Sơ yếu lý lịch chức năng phù hợp với những người chưa từng làm công việc liên quan đến viết lách nhưng hiện tại muốn ứng tuyển vào vị trí cần kỹ năng viết. Hãy mô tả ngắn gọn các kỹ năng bạn đã thành thạo cho đến nay.
Nếu bạn là một cây viết tự do, viết PR, CV chức năng sẽ giúp bạn tập trung thể hiện nổi bật phần kỹ năng (kỹ năng cứng và mềm). Trong trường hợp này, những gì bạn có thể làm còn quan trọng hơn thời gian bạn có thể gắn bó với công việc.
Bạn nên: giới thiệu sơ yếu lý lịch phong phú hơn; tập trung chuyên sâu hơn vào phần kỹ năng.
Để đến được một cuộc phỏng vấn, bạn cần phải nhấn mạnh khả năng mạnh nhất của mình — một tập hợp các kỹ năng cứng và mềm.
Ví dụ:
“Copywriter đa năng với hơn 6 năm kinh nghiệm Digital Marketing. Có kỹ năng viết báo về thời trang và phong cách sống, copywriting. Đã viết cho Landing Page và bản tin Black Friday cho Posh Cat, nghiệm thu được 7 nghìn khách hàng tiềm năng và 400 lượt bán ra sản phẩm cao cấp. Tìm cách tận dụng ưu điểm để tăng đáng kể lưu lượng truy cập và chuyển đổi từ các chiến dịch tiếp thị nội dung tại Elegance Unlimited.” (Ví dụ từ: Zety)
- CV kết hợp
Sơ yếu lý lịch kết hợp phù hợp nhất cho những người viết đã có nhiều kinh nghiệm: nó làm nổi bật các kỹ năng và liên kết chúng với kinh nghiệm phù hợp.
Cách đưa các kỹ năng viết vào CV để thu hút nhà tuyển dụng
Nhà tuyển dụng thường chú trọng vào phần kỹ năng của ứng viên. Không chỉ để xem bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển không, mà còn để đánh giá trình độ và khả năng của bạn có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không. Vì vậy, bạn trình bày càng rõ ràng bao nhiêu, cơ hội nắm lấy công việc của bạn càng cao.
Khi tạo danh sách kỹ năng viết lách của bạn, hãy tìm kiếm các kỹ năng phù hợp với công việc và có thể được chứng minh bằng các chứng chỉ và danh mục đầu tư của bạn.
Dưới đây là danh sách các kỹ năng chung nhất mà nhà tuyển dụng cần ở một người viết:
- Đảm bảo độ chính xác cao về chính tả, ngữ pháp và dấu câu
- Kỹ năng tra cứu, phân tích chuyên nghiệp
- Tỉ mỉ, cẩn thận
- Khả năng viết nhanh và chính xác
Bạn sẽ cần một tệp kỹ năng cụ thể hơn khi ứng tuyển vào vị trí viết quảng cáo, người biên tập nội dung hoặc người viết blog. Trong trường hợp này, ngoài những điều trên, bạn cũng cần phải có những kỹ năng sau:
- Kỹ năng viết chuẩn SEO và nghiên cứu từ khóa
- Kiến thức về Google Analytics
- Quen thuộc với một trong các nền tảng phổ biến như WordPress, WIX, Blogger,…
- Khả năng sử dụng các công cụ như Ahrefs, SEMrush, Moz, BuzzSumo hoặc các lựa chọn thay thế
Tệp kỹ năng cứng
Các kỹ năng cứng (kỹ thuật viết) bên dưới đã được chia cụ thể theo từng ngách viết cụ thể. Các gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn cụ thể hóa khả năng của mình, đảm bảo được sự ngắn gọn mà vẫn rất ấn tượng. Bạn có thể tham khảo:
- Viết cơ bản: đảm bảo độ chính xác về ngữ pháp, dấu câu, chính tả, từ vựng, thể hiện nội dung rõ ràng, ngắn gọn.
- Viết chuyên nghiệp: viết thư, email, viết thương mại, kỹ năng giao tiếp thông qua văn bản, truyền tải nội dung từ khó hiểu thành thông điệp dễ hiểu, hiệu đính, biên tập.
- Business Writing: viết báo cáo, viết câu chuyện thương hiệu, viết thông cáo báo chí, viết bản tin, trình bày cân đối – dễ đọc, phân tích, nghiên cứu, quản lý nội dung.
- Technical Writing: kỹ năng phân tích, lập kế hoạch, trực quan hóa dữ liệu, thu thập phản hồi, chuẩn bị tài liệu, kiến thức sản phẩm, nghiên cứu, cộng tác.
- Viết sáng tác (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ,…) tư duy logic, khả năng xây dựng cốt truyện, sáng tạo ra một thế giới, tạo hình nhân vật, viết hội thoại đảm bảo logic, đa dạng các phong cách như hài hước, chính kịch, hành động, kinh dị,…
- Copywriting: Viết bài chuẩn SEO, viết blog, viết bán hàng, tra cứu thông tin tốt, khả năng tiếp thị, kiến thức về sản phẩm.
- Content writing: Nghiên cứu, viết bài chuẩn SEO, tập trung, kỹ năng biên tập, hiệu đính, khả năng tương tác, khả năng thích ứng, kỹ năng tổ chức, giao tiếp.
- Viết Email: Email công việc, email bán hàng, email tổng hợp, kỹ năng quản lý thư mục, sử dụng bộ lọc, trình bày ngắn gọn, độ chính xác, hiệu đính, cách cư xử, tính nhất quán.
- Viết Blog: truyền tải thông điệp súc tích, đơn giản, trình bày cân đối, có khả năng tương tác với độc giả, kỹ năng tra cứu, biên tập.
- Viết báo cáo: kỹ năng tra cứu, phân tích, trực quan hóa dữ liệu, phỏng vấn, quản lý dữ liệu, tóm tắt, tư duy logic.
- Viết báo chí: viết bài chuẩn SEO, đảm bảo ngữ pháp, dấu chấm câu, có độ chính xác cao, viết rõ ràng, tư tưởng khách quan, tra cứu, phỏng vấn, nghiên cứu, viết nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, viết tin vắn.
- Viết tạp chí: kỹ năng PR, viết lời dẫn (SAPO), nghiên cứu, phỏng vấn, tiếp cận cộng đồng, cấu trúc, kể chuyện, viết tiêu đề và tiêu đề phụ, mạng, viết tính năng.
- Câu chuyện doanh nghiệp (Business Storytelling): xây dựng thương hiệu, bán hàng, tích cực, ngắn gọn, định hướng chi tiết, tương tác, nghiên cứu.
- Viết nội dung trên nền tảng mạng xã hội: Cần có kiến thức cơ bản về cách thức hoạt động của Facebook, Twitter, LinkedIn, ngắn gọn (từ 500 từ trở xuống), tính tương tác cao, khả năng thích ứng tình huống từ bạn đọc, khiếu hài hước, định hướng chi tiết, kỹ năng viết lời kêu gọi hành động (CTA – call to action).
Mẹo: Bạn có thể in đậm các kỹ năng trên CV của mình. Nó sẽ giúp bạn thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng trong khi họ đang xem xét và khiến họ nhớ đến bạn.
Tệp kỹ năng mềm
Các kỹ năng trên là kỹ năng cứng, còn gọi là kỹ năng kỹ thuật viết. Nhưng để thể hiện mình là một cây viết chuyên nghiệp, bạn cũng cần trang bị những phẩm chất khác. Dưới đây là danh sách các kỹ năng mềm liên quan đến nghề viết cho sơ yếu lý lịch của bạn:
- Sáng tạo
- Kiên trì, bền bỉ
- Đạo đức nghề nghiệp
- Kỹ năng làm việc nhóm
- Kỹ năng truyền thông
- Định hướng một cách chi tiết
- Kỹ năng giao tiếp
- Quản lý thời gian tốt
- …
Tạm kết
Mặc dù bạn cần phải thể hiện khả năng của mình càng nổi bật càng tốt, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc phô diễn số lượng. Bạn không nên liệt kê tất cả các kỹ năng viết trong hướng dẫn này vào sơ yếu lý lịch của mình. Trừ khi bạn đặc biệt theo đuổi công việc viết lách. Bạn chỉ cần chọn một hoặc hai kỹ năng viết thật sự nổi bật của mình.
Bài tập cho bạn
Nếu chỉ được ghi 2 dòng về TOP SKILLS, bạn sẽ chọn 2 kỹ năng nào? Bạn có thật sự đủ tự tin nếu nhà tuyển dụng kiểm tra tại chỗ 2 kỹ năng này không?
Hãy làm thử CV xin việc và gửi cho mình qua mail để mình hỗ trợ tư vấn góp ý nhé.
Để lại bình luận cho mình nếu bạn nghiệm thu được kết quả.
Chia sẻ:
- Click to share on Facebook (Opens in new window)
- Click to share on Twitter (Opens in new window)
- Click to email a link to a friend (Opens in new window)
- Click to share on Pinterest (Opens in new window)
- Click to share on Tumblr (Opens in new window)
- Click to share on LinkedIn (Opens in new window)
- Click to share on Skype (Opens in new window)
2 bình luận về “Mẹo viết CV xin việc viết lách”
Cảm ơn bé Moon vì bài viết siêu hữu ích này!
cảm ơn cô Hai đã đọc và ủng hộ em ☕️