
Trong quá trình làm mentor cộng sự cho cho chương trình mentoring của dự án Better Writing, tôi thường khuyên các mentee hãy học hỏi cách viết và biên tập của những nhà báo. Bởi vì không giống như các nhà văn tiểu thuyết, có thể viết bao nhiêu trang tùy thích. Nhà báo luôn phải viết trong giới hạn được phân bổ, cố gắng truyền tải thông tin đơn giản nhất cho độc giả.
Không gian in ấn có hạn, và nếu có điều gì “hot” diễn ra, độc giả muốn nắm bắt thông tin nhanh chóng, chứ không phải sự tinh tế trong văn học. Để đáp ứng những nhu cầu này, các nhà báo phải cố gắng viết kiệm nhất có thể. Họ phải tránh những câu dài và ưu tiên dùng từ vựng thông dụng hơn biệt ngữ nghề nghiệp. Vì vậy, không khó để hiểu vì sao các nhà báo thường là người biên tập giỏi.
Hemingway là một minh chứng điển hình của một nhà văn xuất thân từ nhà báo. Việc biên tập nghiêm ngặt của Hemingway đã đánh tráo sự phức tạp và đặt lại một chiều sâu đáng kinh ngạc cho văn bản. Bằng cách loại bỏ các chi tiết không cần thiết như mô tả cảnh hoặc tính từ, người viết có thể kể câu chuyện của mình một cách hiệu quả nhất có thể.
Nhiều nhà văn lớn cũng là những nhà biên tập giỏi.
Thomas Mann thường viết khoảng 5.000 từ mỗi ngày, sau đó rút gọn còn khoảng 500 từ.
Toni Morrison, T.S Eliot,… cũng là những cái tên tiêu biểu cho xuất thân từ biên tập trước khi trở thành nhà văn.
Ở Việt Nam cũng có nhiều trường hợp tương tự. Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng, Xuân Quỳnh, Lê Minh Khuê… đều là nhà văn và đồng thời cũng là biên tập viên. Hiện tại tất cả các biên tập viên văn học ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ, Văn nghệ Công an đều là trở thành các nhà văn tên tuổi.
Việc tuân theo những quy tắc này có dẫn đến kết quả những gì bạn viết ra sẽ là đứa con kế nhiệm cho The Old Man and the Sea hay A Farewell to Arms? Có thể là không, nhưng nó sẽ làm cho chất lượng bài viết của bạn gần nhất với một bài viết đạt tiêu chuẩn. Trước khi viết hay, chúng ta phải viết đúng đã.
Khó nhưng hoàn toàn có thể làm được!
1. Đơn giản hóa mọi thứ
Đơn giản hóa là một kỹ thuật viết tôi học được từ Hemingway. Ernest Hemingway không chỉ nổi tiếng với những câu chuyện cảm động mà còn bởi kỹ thuật viết lách của ông.
Sau khi học xong trung học, Hemingway đến làm việc cho Kansas City Star, một tờ tin tức địa phương, về sau phát triển thành của tạp chí của cả tiểu bang. Tại đây, kỹ thuật viết của ông bắt đầu được mài giũa thành hình.
Năm 1940, khi nhớ lại thời kỳ sau 7 năm làm việc ở tòa soạn, ông nói: “Lúc bấy giờ tôi học được cách viết về những điều bình thường bằng ngôn từ giản dị”. Đây chính là nguyên tắc viết văn và nền tảng sáng tác của ông. Hemingway chọn lọc từng từ một cách cẩn thận. Bỏ qua Cái tôi cá nhân, ông cắt xén bài viết của mình một cách không thương tiếc để đi vào trọng tâm câu chuyện.
Cũng giống như cách các vận động viên chơi bộ môn thể thao của họ trông thật dễ dàng, những câu văn đơn giản của Hemingway cũng có chiều sâu và cần nhiều kỹ thuật. Các tác phẩm của Hemingway luôn có điểm dễ đọc cao, ngay cả học sinh tiểu học cũng có thể đọc tác phẩm của ông.

Sử dụng nhiều từ khó, câu phức tạp có thể khiến bạn mắc phải lỗi khi kiểm tra lại bản thảo. Trước khi đưa vào bài viết nhiều câu từ hoa mỹ, hãy sử dụng các từ đơn giản, dễ hiểu nhất. Chẳng hạn:
Trước khi dùng từ mô tả thời gian như “khoảnh khắc”, thử sử dụng từ “phút giây”;
Trước khi nghĩ đến “thời điểm”, thử dùng từ “tại”, “lúc”;
Trước khi sử dụng cụm “ví dụ trực quan”, đó có thể là “ví dụ cụ thể”.
Tính dễ đọc không giúp bạn viết hay nhưng đảm bảo được tỉ lệ đúng gần như tuyệt đối. Không chỉ đúng ngữ pháp mà còn đúng ý. Dù sao thì khi viết một bài trong cộng đồng hoặc viết thương mại, truyền tải thông điệp đến độc giả gần như là mục tiêu chung của tất cả mọi người viết.
Bạn sẽ không muốn viết rườm rà rồi cuối cùng chẳng ai hiểu gì đâu nhỉ?
2. Kiểm tra dấu phẩy
Dấu phẩy có nhiều công dụng hơn bạn tưởng, vì vậy việc sử dụng chúng cũng trở nên khó khăn hơn. Bạn có thể sử dụng dấu phẩy để ngăn giữa các bộ phận trong câu, ngăn giữa 2 vế của một câu ghép, khi liệt kê, và khi cần chú thích cho một từ ngữ phía trước.
Quy tắc đầu tiên, mỗi khi hoàn thành bản nháp, hãy đọc lại toàn bộ bài viết thành tiếng. Bất cứ khi nào cảm thấy cần dừng lại để thở, hãy thêm vào một dấu phẩy.
Quy tắc thứ hai, kiểm tra lần lượt các cách thức sử dụng dấu phẩy sau:

Dùng dấu phẩy để phân cách các ý trong câu
Cách dùng: Sử dụng dấu phẩy trước các từ liên kết như: nhưng, như vậy, hoặc,… với tác dụng nối hai ý hoàn chỉnh lại với nhau
- VD1: Tôi bước xuống phố, rồi rẽ vào góc đường.
- VD2: Bạn có thể đi mua sắm cùng tôi, hoặc đi xem phim một mình.
Dùng dấu phẩy sau trạng ngữ chỉ nơi chốn, thời gian
Cách dùng: Sử dụng dấu phẩy để báo hiệu cho người đọc biết rằng trạng ngữ hoặc cụm từ giới thiệu đã kết thúc và phần chính của câu sắp bắt đầu.
- VD1: Khi Lan đang chuẩn bị ủi đồ, con mèo của cô lại vấp phải dây.
- VD2: Gần một con suối nhỏ ở dưới ngách của hẻm núi, các nhân viên kiểm lâm công viên đã phát hiện ra một mỏ vàng.
Dùng dấu phẩy giữa một chuỗi liệt kê
Cách dùng: Sử dụng dấu phẩy để phân cách từng mục trong một chuỗi; chuỗi là một nhóm gồm hai hoặc nhiều mục có cùng chức năng và hình thức trong một câu.
- VD1: Hôm nay đi chợ tôi đã mua rau ngót, thịt băm và chuối. (một loạt các từ)
- VD2: An hứa rằng em ấy sẽ ngoan ngoãn, sẽ không cắn anh trai mình, và sẽ không trèo lên ti vi. (một loạt các vế câu)
- VD3: Người hướng dẫn nhìn qua cặp tài liệu, bàn làm việc và một lượt quanh văn phòng để tìm cuốn sách điểm bị mất. (một loạt các cụm từ)
Dùng dấu phẩy khi cần chú thích cho một từ hoặc cụm từ
Cách dùng: Sử dụng dấu phẩy sau một từ hoặc một cụm từ khi cần bổ nghĩa thêm cho từ hoặc cụm từ
- VD: Alexander Pope, nhà thơ Phục hưng, nổi tiếng với những bài độc thoại.
Dùng dấu phẩy để dẫn vào một lời thoại
Cách dùng: đặt sau động từ chỉ hành động nói
- VD1: Thanh nói, “Tôi không thích các buổi hòa nhạc vì âm nhạc quá lớn.”
- VD2: “Tôi không thích các buổi hòa nhạc vì âm nhạc quá lớn,” cô nói.
Dùng dấu phẩy với ngày thàng, địa chỉ và số
Quy tắc về ngày tháng: Dấu phẩy sẽ được đặt sau khi viết hoàn tất thời gian
- VD: Vào ngày 12 tháng 12 năm 2021, quyển sách chính thức được công bố phát hành trên toàn quốc.
Quy tắc về địa chỉ: Các phần tử của địa chỉ hoặc địa danh được phân tách bằng dấu phẩy.
- VD1: Thành Tín sinh năm 1988, tại Cần Thơ, Việt Nam.
- VD2: Vui lòng gửi thư cho tôi tại 708 Spring Street, Washington, IL 61571.
Quy tắc cho các số: Đối với các số dài hơn bốn chữ số, sử dụng dấu phẩy để phân cách các số thành nhóm ba, bắt đầu từ bên phải. Trong các số có độ dài bốn chữ số, dấu phẩy là tùy chọn. Ví dụ:
- 3,500 [hoặc 3500]
- 100,000
- 6,000,000
3. Kiểm tra dấu gạch ngang và dấu gạch nối

Hiện nay vẫn còn nhiều người nhầm lẫn, đánh đồng dấu gạch ngang và gạch nối. Theo Đại từ điển tiếng Việt (trang 701) do Nguyễn Như Ý chủ biên (NXB Văn hóa – Thông tin, 1999), khái niệm về dấu gạch ngang và gạch nối được đề cập như sau:
“Gạch ngang dt. Dấu (–), dài hơn gạch nối; thường dùng để tách riêng ra thành phần chú thích thêm trong câu; viết ghép một tổ hợp hai hay nhiều tên riêng, hai hay nhiều số cụ thể; đặt ở đầu dòng nhằm viết các phần liệt kê, các lời đối thoại; còn gọi là Dấu gạch ngang”.
“Gạch nối dt. Dấu (-), ngắn hơn gạch ngang; thường dùng để nối những thành tố đã được viết rời của từ đa tiết phiên âm; còn gọi là Dấu gạch nối”.
Sự khác biệt giữa dấu gạch ngang và dấu gạch ngang là: dấu gạch ngang tạo ra một mệnh đề, trong khi dấu gạch ngang nối hai từ lại với nhau.
Sử dụng dấu gạch ngang trong các trường hợp sau:
- Đặt giữa câu để chỉ ranh giới của thành phần chú thích trong câu. Ví dụ: Cô ấy thích làm đồ thủ công – như thêu thùa may vá – mỗi khi cô ấy đợi xe buýt.
- Đặt đầu câu để đánh dấu những lời đối thoại, lời nói trực tiếp của nhân vật
- Đặt ở đầu dòng để đánh dấu những thành phần liệt kê (các gạch đầu dòng).
- Đặt giữa hai, ba, bốn tên riêng để chỉ một liên danh. Ví dụ: Theo kế hoạch, năm mới 2012 sẽ có cầu truyền hình Hà Nội – Huế – TP. Hồ Chí Minh.
- Đặt giữa hai con số ghép lại để chỉ một liên số hoặc một khoảng số. Ví dụ: Nhiệt độ trung bình của nước ta là 22 – 250C, lượng mưa trung bình năm 1500 – 2000 mm, độ ẩm không khí 80 – 85%…
- Để chỉ sự ngang hàng trong quan hệ. Ví dụ: Mối quan hệ láng giềng hữu nghị Việt – Lào…
Sử dụng dấu gạch nối trong các trường hợp sau:
- Trong những trường hợp phiên âm tên người, tên địa danh nước ngoài. Ví dụ: Lê-nin, Lê-nin-grát, Phi-đen Cát-xtơ-rô, La Ha-ba-na,…
- Được dùng trong phiên âm tiếng nước ngoài, nhất là khi dùng cho những đối tượng người đọc nhỏ tuổi. Ví dụ: Ra-đi-ô, ki-lô-gam,…
- Đặt giữa các con số chỉ ngày tháng năm. Ví dụ: Dự kiến vào ngày 31-1-2012, tôi sẽ gửi bài cho tạp chí Xuất bản Việt Nam…
4. Hạn chế tối đa câu văn bị động

Trong tiếng Việt, bị động là một vấn đề ngữ pháp gây nhiều tranh cãi. Một số nhà Việt ngữ học cho rằng tiếng Việt không có dạng bị động hay câu bị động vì tiếng Việt không biến đổi hình thái. Một số khác cho rằng mặc dù tiếng Việt không có dạng bị động với tư cách là một phạm trù ngữ pháp của động từ, nhưng vẫn có thể nói đến kết cấu/câu bị động trong tiếng Việt. Chúng ta có thể xét câu bị động dựa vào khái niệm đơn giản:
Câu chủ động là câu có chủ ngữ chỉ người/vật thực hiện một hoạt động hướng về người/vật khác.
Ngược lại, câu bị động là người/vật bị/chịu tác động từ một người/vật khác.
Câu bị động thường được sử dụng khi người nói, người viết muốn nhấn mạnh một kết quả. Nhưng tất cả chúng ta đều ngầm hiểu rằng câu văn rõ ràng nhất trong tiếng Anh là câu đi từ chủ ngữ đến động từ rồi đến bổ ngữ. Câu “I’ll get the kitty” chắc chắn tỏ nghĩa hơn “the cat will be got by me.”(Hemingway, Cat in the rain).
Trong tiếng Việt, câu bị động cũng không phải ngoại lệ. Ta có thể viết lại câu bị động “Cây bút này được tôi tự mua để thưởng cho mình” thành một câu chủ động: “Tôi tự thưởng cho mình một cây bút”. Nó ngắn, rõ ràng và hoàn toàn hiệu quả hơn.
Nếu đọc lại bản thảo thấy bài viết thiếu sức sống và nhàm chán, có thể là bạn đã mắc phải lỗi sử dụng câu văn bị động. Hãy quay lại và đọc những gì bạn đã viết và điều chỉnh lại các câu của mình.
5. Áp dụng kỹ thuật "Polysyndeton"
Nổi tiếng với phong cách viết tối giản, Hemingway đã cược kể lại một câu chuyện chỉ với vài từ: “Cần bán: Giày trẻ em, chưa từng mang”.
Thực tế, các câu ngắn dễ hiểu hơn. Chúng không chỉ giúp độc giả dễ theo dõi, chúng còn giúp người viết dễ kiểm soát từng điểm của câu chuyện dễ dàng hơn. Và công việc của chúng ta, những người viết, là viết ra những câu chuyện/ nội dung dễ đọc. Việc để người đọc phải lia mắt qua một loạt các câu dài, phức tạp giống như bắt họ đột nhập vào khu rừng bằng một con dao rọc giấy. Tạo ra một đường dẫn đẹp, gọn gàng bằng nhiều câu văn ngắn.
Bạn có thể thử áp dụng kỹ thuật “polysyndeton” mà Hemingway thường sử dụng. Tại đó, ông xâu chuỗi nhiều từ hoặc cụm từ, kết hợp với từ các liên từ hay quan hệ từ (“và”, “hoặc”, “cũng”, “mà”, “nhưng”…) để tăng tiến hành động. Ví dụ:
“Hãy tưởng tượng, hằng ngày, con người, cố giết cả mặt trăng. Mặt trăng sẽ lánh xa. Nhưng thử hình dung nếu có ngày có người phải giết cả mặt trời. Chúng ta được sinh ra may mắn”. (Ông già và biển cả)
Rút ngắn câu có vẻ là một thủ thuật dễ dàng. Nhưng nó cũng có thể dẫn đến sai lầm. Không phải mọi câu đều nên ngắn gọn. Hemingway cũng viết những câu dài:
“He looked at the sky and saw the white cumulus built like friendly piles of ice cream and high above were the thin feathers of the cirrus against the high September sky.” (The Old man and The Sea)
Dịch: “Lão nhìn lên bầu trời và thấy những đám mây trắng xếp lên nhau tựa chồng bánh kem ngon lành, còn bên trên là những quầng mây mỏng nhẹ tênh trên bầu trời tháng Chín sâu thẳm.” (Ông già và Biển cả)
Lạm dụng câu ngắn sẽ có thể gây đứt gãy mạch văn, khiến bài viết của bạn trở nên mệt mỏi khi đọc. Vì vậy, cách tốt nhất là kết hợp các câu ngắn và dài, đồng thời đọc thành tiếng bài viết khi biên tập để lắng nghe câu văn đã trôi chảy chưa:
“You are killing me, fish, the old man thought. But you have a right to. Never have I seen a greater, or more beautiful, or a calmer or more noble thing than you, brother. Come on and kill me. I do not care who kills who.” (The Old man and The Sea)
Dịch: “Mày đang giết tao, cá à, ông lão nghĩ. Nhưng mày có quyền làm như thế. Tao chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, người anh em ạ. Hãy đến và giết tao đi. Tao không quan tâm chuyện ai giết ai.” (Ông già và Biển cả)
Tạm kết

Một điều mà bạn cần lưu ý là khi viết, tránh dừng lại để sửa mà hãy tập trung viết một mạch. Tránh làm gián đoạn mạch cảm hứng bởi cảm hứng vốn rất đỏng đảnh, một khi nó đến, chúng ta phải tóm lấy ngay thay vì để nó chờ đợi. Nếu bạn không muốn cảm hứng viết bay mất, tốt hơn hãy cứ phân ra thành 2 giai đoạn: viết – rồi sau đó là biên tập.
Ngữ pháp, không phải là vũ khí nhưng lại khiến rất nhiều người phải đầu hàng. Các quy tắc về ngữ pháp phức tạp và khó hiểu đến mức thật sự không biết, đã có ai trong số chúng ta đạt độ chuẩn chỉnh 100% lần nào chưa.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế lỗi ngữ pháp, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bằng một số kỹ thuật trong bài viết này. Bài viết có thể không hay, nhưng ít nhất nó nên đúng. Với những gì tôi chia sẻ , hy vọng bạn sẽ bỏ túi được vài kỹ thuật để tự tin trước khi nhấn nút “đăng tải”.
Bài tập cho bạn
Chọn thực hiện 1 trong 2 hoặc cả 2 đề sau:
- Mô tả màn hình máy tính hoặc bàn học của bạn ngay lúc này bằng một đoạn khoảng 150 – 300 từ.
- Kể lại một lần vào bếp của bạn hoặc một lần chứng kiến người thân nấu ăn (viết đoạn khoảng 300 từ).
Hãy biên tập lại đoạn văn sau theo những gì bạn đã ngấm được từ các kỹ thuật viết của Hemingway. Cắt những gì thừa, chọn lọc lại từ ngữ và hạn chế những từ phủ định,…
“Nỗi đau khi viết? Tôi còn chẳng biết nó là gì, vì tôi đã chọn viết khi bị đau tinh thần hay thân thể. Và đúng như bạn nghĩ đấy, nó chỉ chứa toàn những lời tiêu cực, có khi là hận thù, cũng có khi là chua chát, tự thương hại bản thân, cho bản thân cái quyền đóng vai nạn nhân. Cũng có khi, chính những ngôn từ ấy, với tần số năng lượng không mấy tốt đẹp ấy, tôi đã dùng nó để tấn công người khác, dù sao thì “tấn công cũng là cách phòng thủ tốt” mà. Vốn dĩ là một đứa năng nổ, hoạt bát, nhưng bản thân lại sớm bị nhốt trong 4 bức tường, không ai chia sẻ, không ai tâm sự nên tôi đành chọn cách viết để thể hiện sự tiêu cực và bất lực của mình.”
Nếu có điểm cần trao đổi/ góp ý, hãy để lại bình luận cho mình. Hãy thực hành để cải thiện kỹ năng ngay từ lúc này!
Chia sẻ:
- Click to share on Facebook (Opens in new window)
- Click to share on Twitter (Opens in new window)
- Click to email a link to a friend (Opens in new window)
- Click to share on Pinterest (Opens in new window)
- Click to share on Tumblr (Opens in new window)
- Click to share on LinkedIn (Opens in new window)
- Click to share on Skype (Opens in new window)
2 bình luận về “Viết đúng trước khi viết hay”
bài viết hay quá
Cảm ơn Minhh rất nhiều ^^